Trích nguồn và trích dẫn tài liệu
- 1. Trích nguồn
- 1.1. Tại sao phải trích nguồn
- Tại vì đó là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với tài liệu gốc cũng như tác giả ban đầu và sẽ tránh bị đánh giá là đạo văn. Điều này phụ thuộc vào loại tài liệu bạn đang viết, cách bạn sử dụng tài liệu tham khảo và yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học (được thể hiện qua mong đợi của các giảng viên hướng dẫn).
- 1.2. Trích nguồn trong bài viết
- 2. Trích dẫn tài liệu
- 2.1. Trích dẫn là gì?
- 2.2. Cách kết hợp các trích dẫn tài liệu trong bài viết, luận văn, luận án
- 2.3. Trích dẫn trong trích dẫn
- 2.4. Cách đưa các trích dẫn dài vào bài viết, luận văn, luận án
- 3. Danh sách tài liệu tham khảo
- 3.1. Thư mục tài liệu tham khảo
- 3.2. Chú thích chân trang (footnote)
- 3.3. Sự khác biệt giữa chú thích chân trang (footnote), chú thích cuối bài viết (endnote) và thư mục tài liệu tham khảo (bibliography)
- 4. Kiểu trích dẫn
- Tài liệu tham khảo
Nếu bạn không muốn bị xem là đạo văn thì trích nguồn và trích dẫn tài liệu tham khảo đúng cách là một giải pháp bắt buộc. Bên cạnh đó, bài viết còn giúp phân biệt các cách trình bày danh mục tài liệu tham khảo như thư mục bibliography, chú thích chân trang footnote và chú thích cuối bài viết endnote. Cuối cùng là các kiểu trích dẫn thông dụng như APA, IEEE, Chicago hay AAA...
1. Trích nguồn
1.1. Tại sao phải trích nguồn
Tại vì đó là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với tài liệu gốc cũng như tác giả ban đầu và sẽ tránh bị đánh giá là đạo văn. Điều này phụ thuộc vào loại tài liệu bạn đang viết, cách bạn sử dụng tài liệu tham khảo và yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học (được thể hiện qua mong đợi của các giảng viên hướng dẫn).
Nếu nguồn rất quan trọng đối với ý tưởng của bài viết, bạn nên đề cập đến tác giả và năm xuất bản đi kèm một câu giới thiệu. Tuy nhiên, nếu chỉ trích nguồn (hay trích dẫn nguồn) để đưa ra một quan điểm nhỏ, bạn có thể cân nhắc sử dụng trích nguồn trong ngoặc đơn, chú thích chân trang (footnote) hoặc chú thích cuối trang (endnote).
Ngoài ra còn có các hình thức trích dẫn khác nhau cho các ngành khác nhau, một bài báo về khoa học nhân văn Humanities sẽ có hình thức trích dẫn khác với một bài báo khoa học Sciences và cũng sẽ khác biệt với bài báo khoa học xã hội Social Sciences hay theo phong cách pháp lý Legal Style…
Cuối cùng, luôn phải tham khảo quan điểm của giảng viên, truy cập trang web hoặc liên hệ trực tiếp với bộ phận quản lý sau đại học (Viện sau đại học) của các cơ sở giáo dục đại học để xác định hình thức trình bày phù hợp cho tài liệu của mình. Và điều này nên được thực hiện trước khi triển khai viết nội dung để hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.
Tiếp theo, bạn sẽ được hướng dẫn những nguyên tắc trích dẫn nguồn để có thể sử dụng ngay lập tức vào bài viết của mình.
1.2. Trích nguồn trong bài viết
Ngay ở lần đầu tiên thực hiện trích dẫn một nguồn, bạn nên đề cập đến (các) tác giả, tiêu đề và thể loại (sách, báo, bài viết, website…) và nếu nguồn là quan trọng, bạn phải đưa ra lời giới thiệu, tóm tắt tầm quan trọng và ý chính của nó. Ví dụ:
Đinh Bá Hùng Anh và cộng sự (2022), trong cuốn sách NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG KINH TẾ - XÃ HỘI & Hướng dẫn viết luận văn/luận án, gợi ý rằng “quy trình nghiên cứu khoa học được thực hiện thông qua 6 bước, trong đó, bước 1 – xác định vấn đề, bước 2 – tiếp cận vấn đề, bước 3 – thiết kế nghiên cứu, bước 4 – thu thập dữ liệu, bước 5 – xử lý và phân tích dữ liệu, và bước 6 – kết luận và báo cáo”.
Bạn cũng có thể đề cập thêm mô tả (các) tác giả (lĩnh vực nghiên cứu), tài liệu, cách bạn tìm thấy nguồn từ đâu hay tại sao bạn tin rằng nó đáng tin cậy và có giá trị trích dẫn. Ví dụ:
Cuốn sách này [NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG KINH TẾ - XÃ HỘI & Hướng dẫn viết luận văn/luận án] được mệnh danh là một trong những “Cuốn sách hay về đề tài nghiên cứu” và đồng thời cũng nằm trong “Top 100 sản phẩm phân tích kinh tế bán chạy tại Nhà sách Fahasa”.
Những nội dung trình bày liên tiếp về tác giả và tác phẩm sẽ không cần trích nguồn lại, nhưng nếu bạn đã trích dẫn các nguồn khác và sau đó quay lại nguồn đã trích dẫn trước đó, tốt nhất bạn nên nhắc lại ít nhất tên tác giả (và năm xuất bản) để làm rõ quan điểm.
2. Trích dẫn tài liệu
2.1. Trích dẫn là gì?
Sử dụng nguyên văn nội dung từ một nguồn được gọi là trích dẫn (Quoting). Bạn nên trích dẫn tài liệu (đặt trong dấu ngoặc kép) khi bạn tin rằng cách tác giả lần đầu thể hiện ý tưởng là cách hiệu quả nhất để truyền đạt quan điểm mà bạn muốn đưa ra. Nếu bạn muốn mượn ý tưởng của tác giả nhưng không cần sử dụng nguyên văn từng từ ngữ thì bạn có thể sử dụng cách thức diễn giải (Paraphrasing) thay vì trích dẫn.
Chú ý nhỏ, nếu bạn cho rằng việc trích dẫn là cần thiết nhưng không bị đánh giá là lạm dụng thì đối với mỗi trích dẫn, bạn nên có ít nhất hai câu phân tích về nó.
2.2. Cách kết hợp các trích dẫn tài liệu trong bài viết, luận văn, luận án
Phần lớn các trường hợp, tài liệu sử dụng hình thức trích dẫn nguyên văn, nhưng đôi khi bạn cần có sự điều chỉnh về từ ngữ hoặc định dạng của đoạn trích dẫn để phù hợp với bài viết của mình. Nhưng hãy cẩn thận với việc điều chỉnh vì bạn có thể vô tình thay đổi ý nghĩa của câu trích dẫn và người đọc có thể cho rằng tác giả đã nói sai điều gì đó.
Ví dụ: Sử dụng nội dung về khái niệm du lịch homestay được đề cập trong cuốn sách NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG KINH TẾ - XÃ HỘI & Hướng dẫn viết luận văn/luận án, trang 580:
Jamal và cộng sự (2011) trong “Tourist perceived value in a community-based Homestay visit: an investigation into the functional and experiential aspect of value” định nghĩa “Homestay là một loại hình du lịch gắn liền với tự nhiên, văn hóa, phong tục của địa phương và nhắm đến một phân khúc khách du lịch nhất định mong muốn có những trải nghiệm thực tế. Homestay tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái và cộng đồng. Trong đó du khách lưu trú cùng các hộ gia đình và tham gia các hoạt động hàng ngày để trải nghiệm lối sống và văn hóa địa phương”.
Khi bạn trích dẫn, bạn thường muốn ngắn gọn nhất có thể, cho nên bạn thường chỉ muốn giữ lại những nội dung có liên quan chặt chẽ nhất đến ý tưởng của mình. Vì vậy, bạn sẽ thay đổi cách diễn đạt một chút và kết quả sẽ là:
Jamal và cộng sự (2011) định nghĩa “Homestay là một loại hình du lịch gắn liền với tự nhiên, văn hóa, phong tục của địa phương… Trong đó du khách tham gia các hoạt động hàng ngày cùng các hộ gia đình để trải nghiệm lối sống và văn hóa địa phương”.
Hoặc có thể là:
Theo Jamal và cộng sự (2011), “Homestay là một loại hình du lịch gắn liền với tự nhiên, văn hóa, phong tục của địa phương… Trong đó du khách tham gia các hoạt động [để có thêm những trải nghiệm]”.
Việc sử dụng dấu ngoặc vuông [để có thêm những trải nghiệm] cho biết bạn đã thay thế nội dung này của tác giả ban đầu. Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn nội dung thay thế này diễn đạt đúng ý nghĩa ban đầu nếu không muốn bị xem là đạo văn.
Nói chung, bạn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ về ngữ pháp và văn phong để làm cho tài liệu được trích dẫn phù hợp với bài viết của mình, nhưng không được thay đổi đáng kể cấu trúc của tài liệu hoặc nội dung của nó.
2.3. Trích dẫn trong trích dẫn
Khi sử dụng trích dẫn trong dấu ngoặc kép, bạn nên chuyển từ dấu ngoặc kép thông thường (“) sang dấu ngoặc đơn (‘) để thể hiện sự khác biệt.
Ví dụ: Nội dung gốc của Bùi Thị Thanh Mai (2018) viết:
Lý thuyết là nền tảng quan trọng bởi lý thuyết là kinh nghiệm, kiến thức, tri thức, trí tuệ của các thế hệ tích lũy lại, cung cấp cho người nghiên cứu cơ sở kiến thức để lập luận và kiến giải các vấn đề nghiên cứu. Do đó, hệ thống lý thuyết là “quỹ đạo” của nhà nghiên cứu. Để kết quả đảm bảo đạt những giá trị khoa học, quá trình triển khai nghiên cứu không thể đi chệch cái “quỹ đạo” đó.
Trích dẫn trong bài viết của bạn sẽ có dạng như sau:
Bùi Thị Thanh Mai (2018) cho rằng, “lý thuyết là nền tảng quan trọng bởi lý thuyết là kinh nghiệm, kiến thức, tri thức, trí tuệ của các thế hệ tích lũy lại, cung cấp cho người nghiên cứu cơ sở kiến thức để lập luận và kiến giải các vấn đề nghiên cứu. Do đó, hệ thống lý thuyết là ‘quỹ đạo’ của nhà nghiên cứu. Để kết quả đảm bảo đạt những giá trị khoa học, quá trình triển khai nghiên cứu không thể đi chệch cái ‘quỹ đạo’ đó.”
2.4. Cách đưa các trích dẫn dài vào bài viết, luận văn, luận án
Các yêu cầu định dạng chính xác cho các trích dẫn dài khác nhau tùy thuộc vào kiểu trích dẫn. Tuy nhiên, nói chung, nếu nội dung trích dẫn nhiều hơn 3 dòng tài liệu, bạn nên thực hiện theo một số cách thức như sau:
-
thay đổi size chữ thành một size chữ nhỏ hơn bình thường (ví dụ: các trường đại học ở Việt Nam thường yêu cầu trình bày luận văn, luận án ở size chữ 13, cho nên, riêng nội dung trích dẫn nên sử dụng size chữ nhỏ hơn 13, chẳng hạn size 11);
-
thụt lề kép phần trích dẫn, có nghĩa là điều chỉnh lề trái và lề phải của phần trích dẫn nhỏ hơn phần nội dung chính của khổ giấy (1cm hoặc 1inch, chức năng Indentation Left/Right trong MS Word);
-
KHÔNG sử dụng dấu ngoặc kép cho toàn bộ trích dẫn vì những thay đổi như thay đổi size chữ hay thụt lề kép là đủ để chỉ ra rằng tài liệu được trích dẫn, còn những trường hợp trích dẫn trong trích dẫn, hãy sử dụng dấu ngoặc kép thông thường “” (thay cho dấu ngoặc đơn ‘’);
-
thay đổi dãn dòng nhỏ hơn (ví dụ, các trường đại học ở Việt Nam thường yêu cầu dãn dòng, chức năng Line spacing, thông thường là 1.5 lines cho nên riêng nội dung trích dẫn có thể bỏ qua vấn đề này và trình bày ở dạng Single hoặc Multiple At 1.2).
3. Danh sách tài liệu tham khảo
3.1. Thư mục tài liệu tham khảo
Thư mục tài liệu tham khảo (bibliography) là danh sách tất cả các nguồn bạn đã sử dụng trong quá trình viết bài của mình. Và một thư mục cần bao gồm các thông tin chủ yếu như:
-
tên các tác giả;
-
tên các tác phẩm;
-
tên, địa điểm của các công ty/tổ chức chủ quản đã xuất bản nội dung;
-
ngày tác phẩm được xuất bản;
-
tập, cuốn, số trang của các nội dung nếu chúng là một phần của chuỗi các tập đa nguồn…
Thư mục này cuối cùng được trình bày thành danh sách đầy đủ các tài liệu mà nghiên cứu của bạn đã sử dụng để tham khảo ở cuối bài viết, luận văn, luận án (nhưng trước các phụ lục).
3.2. Chú thích chân trang (footnote)
Chú thích chân trang (footnote) là những ghi chú được đặt ở cuối mỗi trang dùng để trích dẫn tài liệu tham khảo hoặc bình luận thêm về nội dung văn bản phía trên.
Chú thích chân trang (ký hiệu bởi số thứ tự) được:
-
đặt ở cuối câu, ngay sau dấu chấm hoặc bất kỳ dấu chấm câu nào để hoàn thành câu đó và tiếp đó là hai khoảng trắng (dấu cách trong MS Word) trước khi bắt đầu câu tiếp theo.
-
đặt ở giữa câu, ngay sau cụm từ phù hợp nhất hoặc sau một dấu phẩy nếu làm rõ ràng hoặc vì câu có nhiều chú thích chân trang (hạn chế điều này), và tiếp đó chỉ là một khoảng trắng (dấu cách trong MS Word) trước khi bắt đầu câu tiếp theo.
Khi người đọc nhìn thấy chú thích chân trang (được ký hiệu bằng số thứ tự), họ có thể ngay lập tức nhìn xuống lời bình luận thêm hoặc tiếp tục đọc đoạn văn rồi đọc lời bình luận sau đó ở cuối trang hiện tại, điều này giúp người đọc thuận tiện hơn cho việc tra cứu tức thì nên hầu hết các kiểu trích dẫn (phần 4 tiếp theo) đều yêu cầu sử dụng chú thích chân trang hoặc chú thích cuối trang trong bài viết. Tuy nhiên, một số kiểu còn lại sử dụng hình thức trích dẫn tài liệu tham khảo trong ngoặc đơn (tác giả, năm).
Ngoài ra, chú thích chân trang còn cho người đọc biết nguồn gốc khác của tài liệu hoặc họ có thể tìm kiếm các nguồn khác về chủ đề này ở đâu. Để quyết định sử dụng kiểu trích dẫn nguồn ở phần chú thích chân trang hay trong nội dung bài viết, hãy theo dõi phần 4 – kiểu trích dẫn.
3.3. Sự khác biệt giữa chú thích chân trang (footnote), chú thích cuối bài viết (endnote) và thư mục tài liệu tham khảo (bibliography)
Sự khác biệt duy nhất là vị trí - footnote xuất hiện ở cuối mỗi trang tài liệu, trong khi tất cả endnote đều xuất hiện ở cuối tài liệu. Nếu bạn muốn người đọc tham khảo ngay lập tức chú thích thì sử dụng footnote, trong khi endnote ít ảnh hưởng và sẽ không làm gián đoạn dòng suy nghĩ trong bài viết của bạn.
Đặc biệt, nếu sử dụng trích nguồn trong ngoặc đơn, tài liệu thường được yêu cầu trình bày dạng thư mục bibliograpy. Danh sách tất cả các tài liệu tham khảo có thể giúp người đọc cảm thấy thuận tiện hơn việc trình bày footnote hay endnote vì họ không cần phải quan tâm đến các nhận xét và thông tin khác mà chỉ cần quan tâm đến nguồn (với tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu, cơ quan xuất bản…).
4. Kiểu trích dẫn
Các kiểu trích dẫn khác nhau chủ yếu về vị trí, thứ tự và hình thức của thông tin về tài liệu tham khảo. Số lượng và sự đa dạng các kiểu trích dẫn phản ánh những ưu tiên khác nhau về tính ngắn gọn, dễ đọc, ngày tháng, tác giả, ấn phẩm và cuối cùng là phong cách.
Sau đây là các lĩnh vực cùng với kiểu trích dẫn thông dụng tương ứng.
Khoa học nhân văn Humanities
Khoa học Sciences
Khoa học xã hội Social Sciences
Chú ý: Kiểu AAA dựa vào kiểu Chicago nên nếu có bất kỳ vấn đề nào với AAA thì người đọc có thể tham khảo Chicago cho trích dẫn tài liệu.
Phong cách pháp lý Legal Style
Khác
Một số quy định về kiểu trích dẫn, trích nguồn tại các trường đại học Việt Nam:
- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH với kiểu APA
- Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - HCMUE với kiểu APA
- Đại học Huế - HUEUNI với kiểu APA và IEEE
- Đang cập nhật...
Nếu các bạn sở hữu những tài liệu hay về các kiểu trích dẫn hoặc có những ý kiến gì, hãy chia sẽ ở phần BÌNH LUẬN dưới bài viết này để mọi người cùng tham khảo nhé.
Tài liệu tham khảo
-
Bùi Thị Thanh Mai (2018). Vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật tại Việt Nam. Truy xuất từ https://tinyurl.com/mpb5uj44, ngày 30 tháng 10 năm 2023.
-
Jamal, S. A., Othman, N., & Muhammad, N. M. N. (2011). Tourist perceived value in a community-based Homestay visit: an investigation into the functional and experiential aspect of value. Journal of Vacation Marketing, 17(1), 5–15.
Kết thúc.
Bởi vì tính thông dụng vốn có cũng như lĩnh vực nghiên cứu mà Nghiên Cứu Khoa Học hướng đến là kinh tế, xã hội, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, quản lý giáo dục..., toàn bộ trang web của chúng tôi sử dụng kiểu APA cho việc trích nguồn, trích dẫn tài liệu cũng như cho danh mục tài liệu tham khảo… Ngoài ra, chức năng chèn trích dẫn (Insert Citation) trong MS Word cũng sử dụng kiểu APA làm mặc định.
|
Xem thêm