DMCA.com Protection Status

SỬ DỤNG AMOS GRAPHIC PHÂN TÍCH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH

Tất tần tật những gì cần thiết cho sử dụng phần mềm AMOS thực hành phân tích nhân tố khẳng định được Nghiên Cứu Khoa Học trình bày chi tiết như sau.

1. Khởi động phần mềm Amos Graphic

Giao diện khởi động gồm 4 phần chính, trình bày ở Hình 1.

  • Menu chính: Danh mục các thao tác phân tích và chỉnh lý dữ liệu.

  • Thanh công cụ: Dùng để phân tích dữ liệu.

  • Thanh trạng thái: Nơi chuyển đổi giữa các trạng thái phân tích.

  • Vùng làm việc: Hiển thị kết quả phân tích.

Hình 1. Giao diện khởi động phần mềm

Công dụng của thanh công cụ được trình bày ở Bảng 1 (từ trái sang phải và từ trên xuống dưới). Hãy lưu ý các mã số của ký hiệu, chúng sẽ được sử dụng cho các nội dung phân tích tiếp theo.

Bảng 1. Ký hiệu và công dụng các công cụ phân tích

2. Mở file để phân tích

Có 3 cách để mở file để phân tích:

  • Cách 1: Từ Menu chính, nhấn vào File > Data files…
  • Cách 2: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + D.
  • Cách 3: Ở thanh công cụ, chọn công cụ có Mã số 22 (Select data files); được giao diện để mở file nêu ở Hình 2.

Hình 2. Giao diện để mở file

Tiếp tục thực hiện:

Bước 1: Vào File Name, chọn mở file dữ liệu SPSS (.sav).

Bước 2: Kiểm tra file dữ liệu bao gồm tên file ở cột File, kiểm tra kích thước mẫu ở cột N. Cột Variable thể hiện biến phân tích đa nhóm và cột Value thể hiện mã nhóm cho phân tích đa nhóm.

Bước 3: Nhấn OK để xác nhận.

3. Vẽ khung Amos Graphics thủ công

Từ kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA ở Bảng 3 của bài viết TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH (2/2), số biến của các nhân tố độc lập và phụ thuộc như sau.

  • Phương tiện hữu hình (PTHH): 4
  • Khả năng đáp ứng (KNDU): 4
  • Sự tin cậy (STC): 4
  • Hình ảnh thương hiệu (HATH): 3
  • Sự hài lòng (SHL): 3
  • Ý định mua (YDM): 3
Lưu ý: Vẽ khung Amos Graphics cho cả nhân tố độc lập lẫn phụ thuộc.

Sử dụng công cụ Mã số 3 (Vẽ các biến quan sát và tiềm ẩn cho cùng một đối tượng mới hoặc thêm biến quan sát và biến tiềm ẩn cho đối tượng sẵn có).

Vẽ khung Amos Graphics cho nhân tố:

Bước 1: Chọn công cụ Mã số 3; lưu ý là sau khi chọn thì nền của công cụ sẽ sáng lên.

Bước 2: Nhấp chuột vào vùng làm việc để vẽ biến tiềm ẩn (kí hiệu hình tròn).

Bước 3: Nhân tố (ví dụ Phương tiện hữu hình) có 4 biến thì nhấp chuột liên tục 4 lần vào biến tiềm ẩn vừa vẽ ở Bước 2 để khai báo 4 biến cùng với đó là 4 sai số tiềm ẩn; kết quả vẽ nhân tố PTHH nêu ở Hình 3.

Hình 3. Vẽ khung Amos Graphics thủ công cho một nhân tố

Bước 4: Sử dụng kết hợp các công cụ có Mã số 11 (chọn tất cả đối tượng) và Mã số 13 (sao chép tất cả đối tượng đã chọn), tiếp tục vẽ cho 5 nhân tố còn lại được kết quả như Hình 4.

Ngoài ra, để vẽ từng thành phần của khung Amos Graphics, nhà nghiên cứu có thể sử dụng kết hợp các công cụ có Mã số 1 (Vẽ biến quan sát), Mã số 2 (Vẽ biến tiềm ẩn), Mã số 4 (vẽ đường thể hiện mối quan hệ một chiều) và Mã số 6 (vẽ sai số cho biến). Nhưng cách thực hiện này rất mất thời gian nên không được khuyến khích.

Bước 5: Thực hiện xoay các sai số về phía trái của nhân tố bằng cách sử dụng công cụ có Mã số 17 (Xoay chiều các biến) kết hợp với công cụ có Mã số 14 (Di chuyển đối tượng). Ở Hình 4 thấy rằng các sai số hướng lên trên đã được xoay sang trái như trình bày ở Hình 5. Xoay sai số sang trái để tạo không gian thuận tiện cho việc biểu diễn các mối quan hệ giữa các nhân tố.

Hình 4. Vẽ khung Amos Graphics thủ công cho nhiều nhân tố

Hình 5. Amos Graphics sau khi xoay sai số sang phía trái nhân tố

Bước 6: Sử dụng công cụ Mã số 5 (Vẽ đường thể hiện mối quan hệ hai chiều) vẽ mối quan hệ hai chiều cho các nhân tố. Nghiên cứu có 6 nhân tố nên có (5x6)/2 = 15 mối quan hệ hai chiều; vậy nên cần vẽ 15 đường thẳng mũi tên hai chiều thể hiện sự tác động lẫn nhau giữa các nhân tố này.

Chọn công cụ Mã số 5, sau đó nhấp chuột lần lượt vào hai nhân tố muốn thể hiện mối quan hệ tương quan, kết hợp với công cụ Mã số 21 (Hiệu chỉnh các đường thể hiện đối tượng) nhấn vào các nhân tố tiềm ẩn, được kết quả trình bày ở Hình 6.

Hình 6. Vẽ mối quan hệ giữa các nhân tố tiềm ẩn

Bước 7: Nhập tên biến quan sát. Chọn công cụ Mã số 9, hộp thoại Variables in Dataset xuất hiện danh sách các biến. Kích chuột chọn biến cần chuyển vào mô hình, giữ và kéo thả vào ô chữ nhật trong khung Amos Graphics vừa vẽ xong.

Lưu ý: Biến có phương sai cố định sẵn bằng 1 (hay biến tham chiếu), biến này được xác định là biến có hệ số tải cao nhất của một nhân tố. Theo kết quả phân tích nhân tố khám phá, mô hình Pattern Matrix, biến có hệ số tải cao nhất trong từng nhân tố là KNDU4, STC3, PTHH2, HATH3, SHL3 và YDM2.

Ở Hình 7a, biến quan sát trên cùng (khung đánh dấu) có phương sai cố định sẵn bằng 1 (khoanh tròn, mũi tên chỉ vào). Trong trường hợp nhân tố Khả năng đáp ứng với biến KNDU4 có hệ số tải cao nhất (so với ba biến KND1, KNDU2, KNDU3) nên và yêu cầu phải được chỉ định vào vị trí này. Các biến còn lại được chỉ định vào các vị trí còn lại. Kết quả nhập biến quan sát của nhân tố Khả năng đáp ứng được trình bày ở Hình 7b.

Hình 7. Nhập tên biến quan sát

Tương tự, nhập cho toàn bộ mô hình được kết quả trình bày ở Hình 8.

Hình 8. Kết quả nhập tên các biến quan sát