DMCA.com Protection Status

TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (2/2)

Nghiên cứu: “TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ ĐẾN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CÁC TỈNH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2004 – 2014”.

Lưu ý: Quá trình thực hiện mô hình nghiên cứu đã được rút gọn, chỉ với mục đích thấy rõ quá trình nghiên cứu dữ liệu bảng. Trong phần đầu này, chúng ta đã thực hiện xây dựng mô hình và giả thuyết nghiên cứu, phần thứ hai này sẽ đi vào phân tích mô hình dữ liệu bảng với phần mềm EVIEWS.

Nghiên cứu nếu được trình bày dưới dạng Luận văn gồm 3 phần chính là Giới thiệu, Nội dungKết luận. Ba phần này tương quan với 6 bước của quy trình nghiên cứu đã được trình bày ở bài viết QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC như sau: 

  • Bước 1 “Xác định vấn đề” và Bước 2 “Tiếp cận nghiên cứu” được trình bày ở Phần Giới thiệu luận văn.
  • Các Bước từ 3 đến 5 được trình bày ở phần Nội dung.
  • Còn Bước 6 “Kết luận và báo cáo” được trình bảy ở phần Kết luận.

Trong bài viết TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (1/2), chúng ta đã đi vào phần Giới thiệu (Xác định vấn đề và Tiếp cận nghiên cứu) và một phần Nội dung (Thiết kế nghiên cứu). Sau đây, chúng ta sẽ lược khảo lại và tiến hành những nội dung tiếp theo.

1. GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU

1.1. Xác định vấn đề

Đặt vấn đề

Mục tiêu nghiên cứu

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Khái niệm, phân loại cơ cấu kinh tế

Định nghĩa, phân loại năng suất lao động

Mô hình nghiên cứu

  • Mô hình lao động vô hạn và thị trường không hoàn hảo của Lewis
  • Mô hình chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị của Todaro

Nghiên cứu liên quan

Giả thuyết nghiên cứu:

– Giả thuyết H01: Tỉ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H02: Tỉ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H03: Tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H04: Tỉ trọng dân số thành thị có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

Tham khảo chi tiết ở bài viết TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (1/2).

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Thiết kế nghiên cứu

Sử dụng mô hình hồi quy bội dữ liệu bảng với phương pháp bình phương cực tiểu, được mô hình hồi quy:

GDPlaod = β0 + β1×Pn + β2×Ln + β3×Pfdi + β4×Dothi + Ui + εi

trong đó,

Pn: Biến độc lập mô tả tỷ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Ln: Biến độc lập mô tả tỷ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Pfdi: Biến độc lập mô tả tỷ trọng vốn đầu tư của nước ngoài FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %. Tỷ trọng này cho biết mức độ liên kết hội nhập của một quốc gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Dothi: Biến độc lập mô tả tỷ trọng dân số thành thị trên tổng dân số (mức độ đô thị hóa) hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %. Tỷ trọng này đại diện cho cơ cấu vùng.

GDPlaod: Biến phụ thuộc, được xác định bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng Đông Nam Bộ chia cho số lượng lao động đang làm việc ở mỗi thời kỳ trong nền kinh tế (L).

Ngoài ra, do dữ liệu bảng nên luận văn còn xét thêm mô hình tác động cố định FEM (Fixed Effects Model) và tác động ngẫu nhiên REM (Random Effects Model), rồi sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình hồi quy phù hợp (mô hình SEM).

2.2. Thu thập dữ liệu

Dữ liệu được thu thập từ Niêm giám thống kê được xuất bản hàng năm bởi Tổng cục Thống kê. Ngoài ra thu từ Báo cáo hàng năm từ Viện năng suất Việt Nam cũng như tổng hợp số liệu kinh tế mà các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ công bố qua các quý, năm trong giai đoạn 2004 – 2014. Tất cả dữ liệu đều được đánh giá sự phù hợp theo qui trình được nêu ở Hình 6, được tổng hợp lại như trình bày ở Bảng 1 hoặc download ngay dữ liệu Excel.

Hình 6. Qui trình đánh giá dữ liệu thứ cấp

Bảng 1. Dữ liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004-2014

[Nguồn: Tổng hợp từ Cục thống kê các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ]

(*) Ký hiệu

1:

Bình Dương

3:

Đồng Nai

5:

Tây Ninh

2:

Bình Phước

4:

Hồ Chí Minh

6:

Bà Rịa - Vũng Tàu

Tiến hành khảo sát dữ liệu của 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc bằng cách vẽ biểu đồ. Biểu đồ Hình 7 thể hiện tỷ trọng và xu hướng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004 - 2014. Vũng Tàu chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng tăng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở giai đoạn này. Ngược lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm theo thời gian.

Hình 7. Biểu đồ biểu diễn Tỷ trọng và lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Biểu đồ Hình 8 thể hiện xu hướng của năng suất lao động trung bình của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004-2014.

Hình 8. Năng suất lao động trung bình vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004 – 2014

2.3. Phân tích dữ liệu, lựa chọn mô hình hồi quy

a. Mô hình tác động cố định FEM biến GDPlaod

Phân tích hồi quy dữ liệu bảng thường sử dụng các mô hình sau: POOLED, FEM, REM. Sau đó khi cần phân tích từng bước và sâu hơn, người ta mới quan tâm đến các mô hình SUR, IVs,…

- Mô hình hồi quy POOLED thực chất là mô hình hồi quy bình phương cực tiểu (OLS), sử dụng cho dữ liệu bảng không phân biệt theo năm N.

- Khi thiếu vắng các giả định đối với mô hình hồi quy POOLED thì nhà nghiên cứu phải dùng mô hình FEM, REM để phân tích. Mặc khác, đây cũng là gợi ý để phát hiện các vấn đề trước khi quyết định mô hình để phân tích hồi quy.

- Mô hình tác động cố định FEM chỉ xét đến những khác biệt mang tính cá thể đóng góp cho mô hình nên sẽ không xét hiện tượng tự tương quan.

- Mô hình tác động ngẫu nhiên REM xem xét đến cả những khác biệt của riêng các đối tượng phân tích qua thời gian đóng góp vào mô hình, do đó, tự tương quan là một vấn đề tiềm tàng của mô hình này. Mô hình này tự thân nó loại đã bỏ yếu tố phương sai thay đổi.

Bảng 2 trình bày kết quả phân tích hồi quy tác động cố định FEM sử dụng dữ liệu Bảng 1.
Bảng 2. Kết quả phân tích mô hình tác động cố định FEM biến GDPlaod (Eviews)

Biến phụ thuộc: GDPLAOD

Phương pháp: Bình phương cực tiểu dữ liệu bảng

Mẫu: 66 (11 thời đoạn × 6 tỉnh/thành)

Thời đoạn: 11 (2004 – 2014)

Dữ liệu chéo: 6 (6 tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ)

Tổng quan sát dữ liệu chéo (cân bằng): 66

Biến

Hệ số

Sai số chuẩn

Thống kê t

Xác suất P_values

β0

-269.4565

38.84019

-6.937569

0.0000

PN

182.4089

43.91160

4.154004

0.0001

LN

208.5906

45.84899

4.549513

0.0000

PFDI

20.46464

30.97924

0.660592

0.5116

DOTHI

138.6116

82.53549

1.679419

0.0986

Mô hình tác động cố định dữ liệu chéo

R2

0.795221

 Phương sai phụ thuộc trung bình

76.18712

R2 hiệu chỉnh

0.762310

 Phương sai phụ thuộc phương sai chuẩn

25.14943

Sai số chuẩn

12.26122

 Thống kê Durbin-Watson

1.847989

Tổng bình phương phần dư

8418.908

Thống kê F

46.59976

Xác suất P_values (thống kê F)

0.000000

b. Mô hình tác động ngẫu nhiên REM biến GDPlaod

Bảng 3 trình bày kết quả phân tích mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên REM của nghiên cứu.

Bảng 3. Kết quả phân tích mô hình tác động ngẫu nhiên REM biến GDPlaod (Eviews)

Biến phụ thuộc: GDPLAOD

Phương pháp: Bình phương cực tiểu dữ liệu bảng

Mẫu: 66

Thời đoạn: 11

Dữ liệu chéo: 6

Tổng quan sát dữ liệu chéo (cân bằng): 66

Biến

Hệ số

Sai số chuẩn

Thống kê t

Xác suất P_values

β0

-19.36297

14.52389

-1.333181

0.1874

PN

132.2899

34.31992

3.854609

0.0003

LN

-1.113239

19.25863

-0.057805

0.9541

PFDI

-27.49867

17.76011

-1.548338

0.1267

DOTHI

-10.97069

16.61917

-0.660122

0.5117

c. Kiểm định Hausman mô hình

Kiểm định Hausman sẽ kiểm định mối tương quan giữa thành phần ngẫu nhiên εi và biến độc lập Xs.

Giải thuyết:

H0: Cov(εi, Xs) = 0, không có tương quan giữa thành phần ngẫu nhiên và các biến độc lập (dùng mô hình tác động ngẫu nhiên REM).

H1: Cov(εi, Xs) ≠ 0, có tương quan giữa thành phần ngẫu nhiên và các biến độc lập (không nên dùng mô hình tác động ngẫu nhiên, nên dùng mô hình tác động cố định FEM).

Nhà nghiên cứu có thể tham khảo một số quy tắc kinh nghiệm để lựa chọn giữa mô hình tác động ngẫu nhiên và cố định:

  • Trị thống kê t lớn, kích thước mẫu N nhỏ: Mô hình ngẫu nhiên hay cố định đều được.
  • Cov(εi, Xs) = 0: Chọn mô hình REM và ngược lại.
  • Kích thước mẫu N lớn, nhưng giá trị thống kê t nhỏ:
  • Nếu mẫu ngẫu nhiên thì chọn mô hình ngẫu nhiên REM.
  • Nếu mẫu không ngẫu nhiên thì chọn mô hình cố định FEM.

Kết quả kiểm định Hausman ở Bảng 4 cho biết, giá trị P-value (tác động ngẫu nhiên dữ liệu chéo) Sig. = 0.0000 < 0.05 nên bác H0.

Bảng 4. Kết quả kiểm định Hausman (Eviews)

Tác động ngẫu nhiên có tương quan – Kiểm định Hausman

Kiểm định tác động ngẫu nhiên dữ liệu chéo

Tóm tắt kiểm định

Thống kê Chi bình phương

Bậc tự do

Xác suất P_values

Tác động ngẫu nhiên dữ liệu chéo

101.642718

4

0.0000

So sánh kiểm định tác động ngẫu nhiên dữ liệu chéo

Biến

Cố định

Ngẫu nhiên

Phương sai

Xác suất P_values

PN

182.408944

132.289853

750.371755

0.0673

LN

208.590594

-1.113239

1731.234858

0.0000

PFDI

20.464638

-27.498666

644.291847

0.0588

DOTHI

138.611643

-10.970688

6535.909906

0.0643

Kết luận: Chọn mô hình tác động cố định FEM để phân tích mô hình biến GDPlaod.

d. Kiểm định khác

Kiểm định biến thành phần (Student)

Kết quả phân tích hồi quy mô hình tác động cố định FEM biến GDPlaod Bảng 2 cho thấy có 2 biến độc lập là Pn, Ln và hệ số β0 có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%, hệ số hồi quy tương ứng là 182.4089, 208.5906 và -269.4565. Các biến độc lập này giải thích 79.52% (khá cao) biến thiên của biến GDPlaod, chứng tỏ mô hình nghiên cứu là khá hợp lý.

Kiểm định toàn bộ mô hình (Fisher)

1. Giả thuyết

H0: βi = 0

H1: βi ≠ 0 (Biến độc lập có ảnh hưởng đến Y).

2. Trị tới hạn

Trị thống kê F với bậc tự do df1 = k = 5, df2 = n – k – 1 = 66 – 5 – 1 = 60, mức ý nghĩa a = 5%, tra bảng Fisher được F5;60;0.05 = 2.368.

Hình 9. Phân bố Fisher mô hình hồi quy năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ

3. Trị thống kê (Bảng 2)

4. Kết luận

Do trị thống kê F = 46.5998 rơi vào khu vực bác H0 (Hình 9). Đủ bằng chứng để kết luận các biến độc lập đưa vào mô hình hồi quy giải thích một cách có ý nghĩa cho biến thiên của biến phụ thuộc; hay mô hình có ý nghĩa thống kê.

Kiểm định tự tương quan (Durbin-Watson)

Có thể bỏ qua bước này đối với mô hình FEM.

1. Giả thuyết

H0: Không tự tương quan;

H1: Tự tương quan.

2. Trị tới hạn

Với k = 5, n = 66, α = 0.05; tra bảng Durbin-Watson được giá trị dL = 1.438, dU = 1.767.

3. Trị thống kê

Trị thống kê Durbin-Watson = 1.848 (Bảng 2).

4. Kết luận

Dựa vào việc so sánh trị thống kê so với trị tới hạn, kết luận không có tự tương quan.

Kiểm định phương sai đồng nhất

Phương sai sai số thay đổi là một khuyết tật khi phân tích hồi quy bằng phương pháp bình phương cực tiểu OLS. Để kiểm định hiện tượng phương sai thay đổi, phương pháp thông dụng và tin cậy nhất là kiểm định White.

Để kiểm định White, tiến hành phân tích hồi quy phụ với biến phụ thuộc là phần dư Resid bình phương (phần dư của biến phụ thuộc) với các biến độc lập là Pn, Ln, Pfdi, Dothi, Pn2, Ln2, Pfdi2, Dothi2, Pn×Ln×Pfdi×Dothi; mô hình cụ thể như sau.

Resid2 = ββ1Pn + β2Ln + β3Pfdi + β4Dothi + β5Pn2 + β6Ln2 + β7Pfdi2 + β8Dothi2 + β9Pn×Ln×Pfdi×Dothi

Giả thuyết:

H0: Phương sai phần dư không thay đổi.

H1: Phương sai phần dư thay đổi

Bảng 5 trình bày kết quả kiểm định White biến GDPlaod, trị Prob. Chi-Square của [Số quan sát × R2] đạt 0.1324 > 0.05 (5%), không bác H0, kết luận chưa đủ bằng chứng để bác nhận định phương sai phần dư không thay đổi.

Bảng 5. Kết quả kiểm định White biến GDPlaod (Eview)

Kiểm định phương sai đồng nhất: White

Thống kê F

1.253439

 Prob. F(14,51)

0.1178

Số quan sát×R2

19.22379

 Prob. Chi-Square(14)

0.1324

Giải thích

15.07235

 Prob. Chi-Square(14)

0.3732

Biểu đồ Hình 10. biểu diễn sự phân tán phần dư quanh trị trung bình Y của mô hình.

Hình 10. Biểu đồ phân bố phần dư

Nếu không sử dụng kiểm định White, nhà nghiên cứu có thể dựa vào phân bố của phần dư quanh đường trung bình để kết luận về phương sai đồng nhất.

Đa cộng tuyến

Xét dấu hiệu đa cộng tuyến dựa trên giá trị các tham số R2, t, F:

  • Mô hình có trị R2 = 0.795 không lớn
  • Trị thống kế t lớn (= -6.94, 4.15, và 4.55)
  • Trị thống kê F = 46.59976 không lớn

Kết luận: Không có dấu hiệu đa cộng tuyến.

Mô hình hồi quy cuối cùng:

GDPlaod = -269.45 + 182.41×Pn + 208.59×Ln

trong đó,

Pn: Biến độc lập mô tả tỷ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Ln: Biến độc lập mô tả tỷ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Phương trình hồi quy về sự ảnh hưởng của các tỷ trọng Pn, Ln, Pfdi, Dothi đến năng suất lao động các tỉnh/thành trong nền kinh tế của vùng Đông Nam Bộ được trình bày ở Hình 11.

Hình 11. Kết quả phân tích hồi qui mô hình Năng suất lao động

Theo mô hình hồi quy trên thì nếu biến Ln không thay đổi, giá trị biến Pn tăng 1% thì giá trị biến GDPlaod (Năng suất lao động) sẽ tăng 1.8241 triệu đồng. Tương tự vậy nếu biến Pn không thay đổi mà giá trị biến Ln tăng 1% thì giá trị biến GDPlaod tăng 2.0859 triệu đồng.

2.4. Gợi ý chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ nhất, đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tếChuyển dịch cơ cấu ngành phi nông nghiệp đã tác động tích cực đến GDP đầu người, thu nhập của người dân. Do vậy cơ cấu ngành cần tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, còn công nghiệp – dịch vụ tăng, nên tập trung giải quyết các vấn đề sau:

  • Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh chuyển dịch còn thấp vậy nên ưu tiên phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ để thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các tỉnh trong vùng. Các tỉnh còn lại tiếp tục phát triển bền vững với tốc độ cao hơn mức bình quân của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Phát huy tốt vai trò vùng kinh tế động lực và có sức lan tỏa, trong đó khu vực TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương phải tiên phong để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và giúp đỡ các tỉnh khác trong và ngoài vùng phát triển.
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao cạnh tranh, phát triển các ngành có năng suất lao động cao, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng.
  • Đẩy mạnh công nghiệp có lợi thế: Khai thác dầu khí, lọc dầu, sản xuất điện, phân bón và hóa chất từ dầu khí. Hoàn thành và nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo hướng hình thành các khu công nghiệp - đô thị, khu công nghiệp - công viên; phát triển kinh tế cửa khẩu.
  • Vùng Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng không nhỏ về nông nghiệp. Vì vậy vẫn duy trì tăng trưởng ổn định trong khu vực này và cần phải phát triển về chiều sâu, cụ thể như phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản phẩm đa dạng, hiệu quả cao, hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng cao, sạch, đảm bảo cung cấp ngày càng tốt cho nhu cầu công nghiệp và xuất khẩu. Xây dựng trung tâm dịch vụ giống thủy sản, trung tâm thương mại, chế biến thủy sản công nghệ cao.

Thứ hai, đối với chuyển dịch cơ cấu lao động

  • Xây dựng chính sách định hướng lao động khu vực nông nghiệp dịch chuyển vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, làng nghề truyền thống, du lịch, dịch vụ.
  • Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, mở rộng trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, huấn luyện nghề có liên kết với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để cung ứng lao động.
  • Đầu tư phát triển thêm các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp. Kết hợp dạy nghề với tư vấn và trợ giúp việc làm cho lao động nông nghiệp chuyển đổi sang lĩnh vực nông nghiệp.
  • Phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho xuất khẩu lao động.
  • Nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất lao động, hướng vào sản xuất hàng hóa, chuyên môn hóa theo thế mạnh của từng vùng. Đẩy mạnh ứng dụng mới công nghệ sinh học và cơ giới hóa trong nông nghiệp để tăng năng suất và tiết kiệm lao động để phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu lao động.

3. KẾT LUẬN & KIẾN NGHỊ

Đề tài nghiên cứu có một số hạn chế và đề xuất phương hướng giải quyết như sau:

  • Sử dụng phương pháp phân tích tỷ trọng chuyển dịch cơ cấu đơn giản, phù hợp dữ liệu chuỗi thời gian, tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là ít có tính dự báo cho tương lai, do vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ này theo các phương pháp khác.
  • Sử dụng số liệu với số thời đoạn ngắn để phân tích, do đó có những hạn chế nhất định.
  • Đề tài chưa đi sâu tìm hiểu thêm nhiều yếu tố khác có thể tác động đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế được thể hiện trên nhiều mặt nhưng trong phạm vi nghiên cứu định lượng, đề tài chỉ giới hạn trong nghiên cứu thay đổi cơ cấu kinh tế ngành phi nông nghiệp. Vì thế, các nghiên cứu sau cần đi vào phân tích thêm các thành phần kinh tế - xã hội khác.

 

Tham khảo thêm bài viết SỬ DỤNG EVIEWS PHÂN TÍCH TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG để thực hành phần tích hồi quy dữ liệu bảng với phần mềm EVIEWS.

 

Kết thúc.


Tin tức liên quan

TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH (2/2)
TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH (2/2)

Nghiên cứu: “Mối quan hệ giữa sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu và ý định mua: Trường hợp nghiên cứu hãng hàng không X”.

SỬ DỤNG AMOS GRAPHIC PHÂN TÍCH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH
SỬ DỤNG AMOS GRAPHIC PHÂN TÍCH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH

Tất tần tật những gì cần thiết cho sử dụng phần mềm AMOS thực hành phân tích nhân tố khẳng định được Nghiên Cứu Khoa Học trình bày chi tiết như sau.

TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH (1/2)
TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH (1/2)

Nghiên cứu: “Mối quan hệ giữa sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu và ý định mua: Trường hợp nghiên cứu hãng hàng không X”.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng