DMCA.com Protection Status

TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (1/2)

Nghiên cứu: “TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ ĐẾN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CÁC TỈNH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2004 – 2014”.

Nội dung nghiên cứu được trích ra từ Trường hợp nghiên cứu Năng suất lao động các tỉnh Đông Nam Bộ (Chương 7) của cuốn sách NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG KINH TẾ - XÃ HỘI & Hướng dẫn viết luận văn, bởi Đinh Bá Hùng AnhTô Ngọc Hoàng Kim xuất bản năm 2017.

Lưu ý: Quá trình thực hiện mô hình nghiên cứu đã được rút gọn, chỉ với mục đích thấy rõ quá trình nghiên cứu dữ liệu bảng. Và trong phần đầu này, chúng ta sẽ đi vào cách xây dựng mô hình và giả thuyết nghiên cứu, phần thứ hai sẽ đi vào phân tích mô hình dữ liệu bảng với phần mềm EVIEWS.

Nghiên cứu nếu được trình bày dưới dạng Luận văn gồm 3 phần chính là Giới thiệu, Nội dungKết luận. Ba phần này tương quan với 6 bước của quy trình nghiên cứu đã được trình bày ở bài viết QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC như sau: 

  • Bước 1 “Xác định vấn đề” và Bước 2 “Tiếp cận nghiên cứu” được trình bày ở Phần Giới thiệu luận văn.
  • Các Bước từ 3 đến 5 được trình bày ở phần Nội dung.
  • Còn Bước 6 “Kết luận và báo cáo” được trình bảy ở phần Kết luận.

Ngoài ba phần chính vừa nêu, luận văn còn có một số nội dung khác không được trình bày ở đây, đó là Lời nói đầu, Mục lục, Hình vẽ, Bảng biểu, Từ viết tắt, Phụ lục và Tài liệu tham khảo.

1. GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU

1.1. Xác định vấn đề

Đặt vấn đề

Với mong muốn góp phần trong việc phân tích, đánh giá quá trình nâng cao năng suất qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ; qua đó có thể đề xuất một số gợi ý về giải pháp, chính sách quản lý vĩ mô phù hợp. Tác giả đã chọn đề tài: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tác động đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004 – 2014”.

Mục tiêu nghiên cứu

  • Phân tích và đánh giá tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.
  • Đưa ra mô hình nghiên cứu của tác giả về chủ đề nghiên cứu.
  • Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm nâng cao năng suất lao động của vùng Đông Nam Bộ.

Luận văn nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm nâng cao năng suất lao động của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề có tính chuyên sâu và trong khuôn khổ cho phép, luận văn chỉ giới hạn ở những nội dung sau.

  • Nghiên cứu những khía cạnh tổng quát của năng suất lao động.
  • Tập trung làm rõ những vấn đề thực tiễn về việc chuyển dịch: Cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu vùng cũng như mức độ liên kết hội nhập ảnh hưởng đến năng suất lao động thông qua: Cơ cấu ngành kinh tế (chọn ngành phi nông nghiệp làm đại diện), cơ cấu lao động (chọn lao động trong ngành phi nông nghiệp làm đại diện), mức độ hội nhập (chọn vốn đầu tư từ nước ngoài làm đại diện), cơ cấu vùng (chọn dân số thành thị làm đại diện).

Không gian: Luận văn nghiên cứu ở vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian: Dữ liệu thứ cấp được thu thập qua niên giám thống kê chuyên sâu, báo cáo tổng kết năm của các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004 – 2014. Luận văn thu thập số liệu trong thời đoạn 11 năm nên số quan sát là: 11 (năm) × 6 (tỉnh/thành) = 66 mẫu.

Lưu ý:

Luận văn sử dụng dữ liệu thứ cấp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2004 – 2014 để phân tích hồi quy. Vậy nên sẽ không có bước xây dựng bảng câu hỏi ở luận văn nghiên cứu khoa học kinh tế - xã hội này.

Nếu chủ đề nghiên cứu là “Phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động các tỉnh/thành ở Việt Nam” thì mục tiêu nghiên cứu sẽ là tác động của chuyển dịnh cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động của người Việt Nam. Mục tiêu nghiên cứu như vậy được cho là chưa tốt vì đối tượng của mục tiêu nghiên cứu là tất cả các tỉnh/thành trên đất nước Việt Nam, tức là phạm vi của đối tượng của nghiên cứu quá rộng, không đủ nguồn lực để thực hiện.

Ngược lại, cũng không nên xác định mục tiêu nghiên cứu quá hẹp, không đại diện được cho tổng thể dẫn đến lãng phí. Để tránh tình trạng xác định mục tiêu nghiên cứu không phù hợp, nhà nghiên cứu cần ghi nó thành các yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi như đã được trình bày.

1.2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Khái niệm, phân loại cơ cấu kinh tế

Định nghĩa về cơ cấu kinh tế được đề cập ở Từ điển bách khoa Việt Nam tập 1 như sau “Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, các lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành”.

Phân loại cơ cấu kinh tế, bao gồm: Cơ cấu ngành, cơ cấu kinh tế vùng lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế.

Định nghĩa, phân loại năng suất lao động

Năng suất lao động là hiệu quả sản xuất của lao động có ích trong một đơn vị thời gian. Tăng năng suất lao động không chỉ là chỉ tiêu phản ánh lượng sản phẩm sản xuất ra mà nó còn phải phản ánh chất lượng đầu ra.

Căn cứ vào tính chất, người ta chia năng suất lao động làm ba loại: Tổng năng suất, năng suất nhân tố tổng hợp và năng suất bộ phận.

Mô hình nghiên cứu

Mô hình lao động vô hạn và thị trường không hoàn hảo của Lewis

Lewis nhìn nhận quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp như một tiến trình chuyển dịch lao động giữa hai khu vực chính trong nền kinh tế. Ông vẽ hai trục tung, bên trái tượng trưng cho lĩnh vực nông nghiệp, bên phải tượng trưng cho lĩnh vực công nghiệp, đường dốc xuống NN’ diễn tả nhu cầu lao động ngành nông nghiệp, đường dốc lên CC’ là nhu cầu lao động ngành công nghiệp. Trục hoành đại diện cho số lượng lao động cung cấp trên thị trường (Hình 1).

Hình 1. Mô hình chuyển dịch lao động giữa nông nghiệp và công nghiệp của Lewis

Khởi đầu khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, do khối lượng lao động nhiều (ở mức L), giá lao động nông nghiệp rất thấp (ở mức Gn) trong khi giá lao động công nghiệp rất cao (ở mức Gc) và số lao động công nghiệp cũng rất ít. Sự mất cân đối trong sử dụng tài nguyên giai đoạn này được thể hiện bằng thuật ngữ kinh tế “Mất mát chung của xã hội” được thể hiện bằng tam giá XYZ trong Hình 1. Do có sự chênh lệch đó, lao động trên thị trường chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp trong khi lương công nghiệp giảm dần còn lương nông nghiệp lại tăng dần. Cho tới khi cân bằng lao động trên thị trường trượt tới điểm Z thì nhu cầu lao động của hai khu vực cân bằng với giá lao động G*.

Đây là điểm phân phối sử dụng lao động tối ưu, “Mất mát chung của xã hội” lúc này bằng không, tất cả mọi người lao động đều có mức lương như nhau: Đây là thời điểm lịch sử quan trọng, từ đó nông nghiệp không còn là kho chứa lao động giá rẻ cho quá trình công nghiệp hóa nữa. Mô hình này cho thấy quá trình dịch chuyển lao động gắn liền với quá trình nâng cao Năng suất lao động.

Mô hình chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị của Todaro

Khắc phục những nhược điểm của mô hình trên, Todaro năm 1969 – 1970 cải tiến mô hình chuyển dịch lao động lên một bước mới.

Trong mô hình này (Hình 2), giá lao động nông nghiệp được xác định bởi mức lao động được huy động trong nông nghiệp Ln, mức lao động được huy động vào lĩnh vực công nghiệp Lc. Đáng lẽ giá lao động trên thị trường phải ở mức G* (nếu thị trường hoạt động hoàn hảo) nhưng thực tế lại tồn tại một lượng lớn lao động thất nghiệp trong xã hội, được biểu thị bằng khoảng cách giữa Ln và Lc.

Hình 2. Mô hình chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị của Todaro

Như vậy, khi một người lao động từ nông thôn muốn ra thành thị tìm việc làm, người này không thể nói chắc được mình sẽ có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp với mức lương cao hơn Gc. Ngược lại, họ phải tính cả trường hợp rủi ro phải rơi vào số những người thất nghiệp phải đợi việc làm, không lương (Ln – Lc). Như vậy, mức lương người tìm việc mong đợi không phải mức lương hiện có trong lĩnh vực công nghiệp mà là sự so sánh giữa ngày công thực tế họ chắc chắn nhận được trong lĩnh vực nông nghiệp và mức lương công nghiệp với xác suất không tìm được việc làm.

Nghiên cứu liên quan

Trong nghiên cứu “Năng suất lao động nông nghiệp: Chìa khóa của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế và thu nhập nông thôn”, tác giả Đinh Phi Hổ cho rằng năng suất lao động nông nghiệp là nhân tố tác động đến thay đổi tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ nghiên cứu sự tác động của năng suất lao động ở ngành nông nghiệp. Mà năng suất lao động các ngành phi nông nghiệp hay công nghiệp và dịch vụ đang được chú trọng nâng cao (và cũng là trọng tâm của luận văn này).

Tác giả Khưu Phước Hưng, ở nghiên cứu “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững của vùng kinh tế Đông Nam Bộ” đã đưa ra mô hình lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi của các yếu tố (1) tỷ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm, (2) tỷ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm, (3) tỷ trọng vốn đầu tư của nước ngoài FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm và (4) tỷ trọng dân số thành thị trên tổng dân số (mức độ đô thị hóa) hàng năm. Đồng thời tác giả đã phân tích nhiều yếu tố bền vững chịu tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế như tổng sản phẩm quốc nội, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, thu nhập trung bình hàng tháng của người dân, tỷ lệ học sinh, sinh viên, độ che phủ của rừng tự nhiên, số bác sĩ trên vạn dân. Tuy là một hướng đi mới, nhưng nghiên cứu này chưa thật sự quan tâm tới quá trình nâng cao năng suất lao động cho khu vực nghiên cứu.

Tiếp cận các mô hình lý thuyết, tác giả tổng hợp và đề xuất mô hình nghiên cứu bao gồm tác động của 4 nhân tố đến năng suất lao động của vùng Đông Nam Bộ như được trình bày ở Hình 3.

Nhân tố tác động của mô hình:

(1) Tỷ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm;

(2) Tỷ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm;

(3) Tỷ trọng vốn đầu tư của nước ngoài FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm;

(4) Tỷ trọng dân số thành thị trên tổng dân số (mức độ đô thị hóa) hàng năm .

Hình 3. Mô hình phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ

Luận văn được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi “Mức độ tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ”.

Giả thuyết nghiên cứu:

– Giả thuyết H01: Tỉ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H02: Tỉ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H03: Tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

– Giả thuyết H04: Tỉ trọng dân số thành thị có ảnh hưởng dương đến năng suất lao động vùng Đông Nam Bộ.

Kết quả của luận văn sẽ trả lời tất cả các giả thuyết nghiên cứu đã nêu.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Thiết kế nghiên cứu

Chọn kiểu nghiên cứu nhân - quả dựa trên dữ liệu thứ cấp khu vực Đông Nam Bộ để phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động. Sử dụng mô hình được nêu ở Hình 3 để xây dựng mô hình hồi quy nhằm khẳng định các giả thuyết nghiên cứu.

Mô hình hồi quy bội với biến phụ thuộc là Năng suất lao động của vùng Đông Nam Bộ, kí hiệu là GDPlaod, được xác định bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng Đông Nam Bộ chia cho số lượng lao động đang làm việc ở mỗi thời kỳ trong nền kinh tế (L).

Mô hình hồi quy bội:

GDPlaod = f(Pn, Ln, Pfdi, Dothi)

trong đó,

Pn: Biến độc lập mô tả tỷ trọng đóng góp của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Ln: Biến độc lập mô tả tỷ trọng lao động của ngành phi nông nghiệp trong GDP hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %.

Pfdi: Biến độc lập mô tả tỷ trọng vốn đầu tư của nước ngoài FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %. Tỷ trọng này cho biết mức độ liên kết hội nhập của một quốc gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Dothi: Biến độc lập mô tả tỷ trọng dân số thành thị trên tổng dân số (mức độ đô thị hóa) hàng năm của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tính %. Tỷ trọng này đại diện cho cơ cấu vùng.

GDPlaod: Biến phụ thuộc, được xác định bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng Đông Nam Bộ chia cho số lượng lao động đang làm việc ở mỗi thời kỳ trong nền kinh tế (L).

Xây dựng mô hình hồi quy với dữ liệu bảng có tính đến yếu tố thời gian, mô hình hồi quy tổng quát với dữ liệu bảng như sau:

Yij = β0 + β1×X1ij + ... + βk×Xkij + Ui + εij

trong đó, 

Yij: Biến phụ thuộc của quan sát i trong thời kỳ j;

Xkij: Biến ngoại sinh;

Ui: Ảnh hưởng của yếu tố không quan sát được;

εij: Sai số mô hình.

Sử dụng mô hình hồi quy bội dữ liệu bảng với phương pháp bình phương cực tiểu, được mô hình hồi quy:

GDPlaod = β0 + β1×Pn + β2×Ln + β3×Pfdi + β4×Dothi + Ui + εi

Hình 4. Mô hình kinh tế lượng các chỉ tiêu đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ngoài ra, do dữ liệu bảng nên luận văn còn xét thêm mô hình tác động cố định FEM (Fixed Effects Model) và tác động ngẫu nhiên REM (Random Effects Model), rồi sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình hồi quy phù hợp (mô hình SEM).

Qui trình nghiên cứu cho luận văn này được trình bày ở Hình 5. Đối với Bước 4 “Thu thập dữ liệu”, vì sử dụng dữ liệu thứ cấp nên không tiến hành thu thập dữ liệu nhưng cần đánh giá sự phù hợp.

Hình 5. Quy trình nghiên cứu chủ đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Kết thúc phần xây dựng mô hình và giả thuyết nghiên cứu.

Bài viết tiếp theo TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (2/2) tiến hành phân tích mô hình dữ liệu bảng với phần mềm EVIEWS.

 

Tiếp tục phần thứ hai...


Tin tức liên quan

SỬ DỤNG AMOS GRAPHIC PHÂN TÍCH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH
SỬ DỤNG AMOS GRAPHIC PHÂN TÍCH NHÂN TỐ KHẲNG ĐỊNH

Tất tần tật những gì cần thiết cho sử dụng phần mềm AMOS thực hành phân tích nhân tố khẳng định được Nghiên Cứu Khoa Học trình bày chi tiết như sau.

SỬ DỤNG EVIEWS PHÂN TÍCH HỒI QUY DỮ LIỆU BẢNG
SỬ DỤNG EVIEWS PHÂN TÍCH HỒI QUY DỮ LIỆU BẢNG

Tất tần tật những gì cần thiết cho sử dụng phần mềm EVIEWS thực hành phân tích hồi quy dữ liệu bảng được Nghiên Cứu Khoa Học trình bày chi tiết như sau.

TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (2/2)
TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH DỮ LIỆU BẢNG (2/2)

Nghiên cứu: “TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ ĐẾN NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CÁC TỈNH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2004 – 2014”.

Lưu ý: Quá trình thực hiện mô hình nghiên cứu đã được rút gọn, chỉ với mục đích thấy rõ quá trình nghiên cứu dữ liệu bảng. Trong phần đầu này, chúng ta đã thực hiện xây dựng mô hình và giả thuyết nghiên cứu, phần thứ hai này sẽ đi vào phân tích mô hình dữ liệu bảng với phần mềm EVIEWS.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng