DMCA.com Protection Status

ĐÁNH GIÁ THANG ĐO NGHIÊN CỨU

Đánh giá thang đo nghiên cứu thông qua độ tin cậy và các giá trị nội dung (và tính đơn hướng), giá trị hội tụ, giá trị phân biệt và giá trị liên hệ lý thuyết.

Độ tin cậy

Độ tin cậy là công cụ chỉ độ chắc chắn trong đo lường. Kết quả đo lường là đáng tin khi với những lần thử khác nhau của phép đo đều hội tụ về cùng một kết quả. Ví dụ, một học sinh có điểm số 8/10 trong bài kiểm tra đầu tiên cũng nên có được xấp xỉ 8/10 điểm trong tất cả các bài kiểm tra tiếp theo. Một học sinh xuất sắc có điểm cao nhất khi thi môn Toán thì cũng có điểm cao nhất khi thi các môn còn lại của khóa học. Nếu mà khó đoán trước học sinh sẽ đạt được bao nhiêu điểm so với lần trước thì kết quả bài kiểm tra chắc chắn thiếu độ tin cậy.

Người ta sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha (ký hiệu α) để biểu diễn độ tin cậy của thang đo. Hệ số α có giá trị từ 0 (không chắc chắn) đến 1 (hoàn toàn chắc chắn). Nói chung, thang đo với hệ số α từ 0,80 đến 0,95 có độ tin cậy rất tốt; hệ số α từ 0,70 đến 0,80 được xem là tốt và giá trị α từ 0,60 đến 0,70 được cho là khá tin cậy; khi hệ số α dưới 0,60 thì thang đo có độ tin cậy yếu.

Phần mềm thống kê SPSS sẽ tính hệ số Cronbach’s Alpha để hỗ trợ nhà nghiên cứu đánh giá thang đo.

Giá trị

Giá trị nói lên khả năng đo lường của thang đo. Có 4 loại giá trị thang đo, đó là:

(1) Giá trị nội dung; 

(2) Giá trị hội tụ; 

(3) Giá trị phân biệt; và

(4) Giá trị liên hệ lý thuyết.

Giá trị của một thang đo đạt yêu cầu khi thỏa mãn được tất cả các loại giá trị trên cùng với tính đơn hướng và độ tin cậy.

(1) Giá trị nội dung của một thang đo là dạng giá trị định tính. Trong đó nội dung của một khái niệm được trình bày rõ ràng để xác định được thang đo có bao phủ đầy đủ nội dung khái niệm không. Hơn nữa, cũng cần chú ý đến các khái niệm đa hướng, định nghĩa của nó phải làm rõ các thành phần của khái niệm và các thành phần cuối cùng của thang đo phải là các thành phần đơn hướng.

Tính đơn hướng của một thang đo nói lên tập các biến đo lường chỉ đo lường cho một yếu tố tiềm ẩn mà thôi. Điều này có nghĩa là một biến quan sát chỉ dùng để đo lường một yếu tố tiềm ẩn (khái niệm nghiên cứu) duy nhất. Mỗi một câu hỏi hay một phát biểu được hiểu là một biến quan sát. Tập hợp của nhiều biến quan sát hình thành thang đo đơn hướng. Tập hợp nhiều thang đo đơn hướng hình thành thang đo đa hướng.

Kết luận:

  • Câu hỏi <=> Phát biểu <=> Biến quan sát

  • Thang đo đơn hướng <=> Khái niệm <=> Yếu tố (hay Nhân tố) = [Biến quan sát]

  • Thang đo đa hướng = [Thang đo đơn hướng] = [[Biến quan sát]]

Ví dụ: Mô hình chất lượng dịch vụ Servqual (Parasuraman và cộng sự, 1988) là một thang đo đa hướng. Thang đo đa hướng này tập hợp từ 5 thang đo đơn hướng hay 5 yếu tố. Cụ thể, yếu tố Độ tin cậy, yếu tố Sự đáp ứng, yếu tố Sự đảm bảo, yếu tố Sự cảm thông và yếu tố Phương tiện hữu hình.

Mỗi yếu tố này là tập hợp của 4 đến 5 biến quan sát là những phát biểu (nội dung cụ thể trình bày ở Mục Lý thuyết nghiên cứu). Mỗi phát biểu này tương đương cho mỗi câu hỏi. Tập hợp 22 câu hỏi của 5 yếu tố trên hình thành thang đo (đa hướng) Chất lượng dịch vụ Servqual. Nhờ sự đánh giá của khách hàng (đồng ý hay không đồng ý) để mã hóa thành dữ liệu phân tích.

(2) Giá trị hội tụ nói lên mức độ hội tụ của một thang đo. Thang đo đạt giá trị hội tụ khi những biến quan sát thành phần có hệ số tương quan cao với nhau.

(3) Giá trị phân biệt nói lên mức độ phân biệt của hai khái niệm. Hai khái niệm phải hoàn toàn độc lập với nhau. Hai khái niệm phân biệt với nhau khi hệ số tương quan của các biến thành phần đối với nhau phải thấp.

Ví dụ: Hình 1 thể hiện mối quan hệ giữa các biến thành phần với nhau. Có hai thang đo X và Y, gọi tắt là yếu tố X và yếu tố Y. Mỗi yếu tố có 3 biến quan sát thành phần, tương ứng là X1, X2, X3 và Y4, Y5, Y6.

[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2017]

Hình 1. Mối quan hệ giữa các biến quan sát

Các biến X1, X2, X3 được cho là mô tả đầy đủ các khía cạnh của yếu tố X. Tương tự, các biến Y4, Y5, Y6 được cho là mô tả đầy đủ các khía cạnh của yếu tố Y. Như vậy, thang đo đạt giá trị nội dung.

Các biến thành phần của yếu tố X có quan hệ tương quan đáng kể với nhau. Cụ thể, hệ số tương quan giữa biến X1 và X2 là r12, giữa X2 và X3 là r23, giữa X1 và X3 là r13. Các biến thành phần của yếu tố Y cũng có mối quan hệ tương quan với nhau. Cụ thể, giữa Y4 và Y5 là r45, giữa Y5 và Y6 là r56, giữa Y4 và Y6 là r46.

Trong khi đó, không có bất kì quan hệ tương quan đáng kể nào giữa các biến X1, X2, X3 với các biến Y4, Y5, Y6. Trong thực tế, hệ số tương quan giữa biến X1 và Y4 là r14. Tuy nhiên, giá trị r14 lại gần với giá trị 0 nên lý thuyết bỏ qua mối quan hệ này. Nên xem yếu tố X và yếu tố Y độc lập với nhau.

Kết luận: Thang đo đạt giá trị hội tụ và giá trị phân biệt.

Trong kinh tế – xã hội, có những khái niệm về mặt lý thuyết thì phân biệt, nhưng về mặt thực tiễn lại đơn hướng. Ví dụ, khái niệm chiều cao và trọng lượng con người. Về lý thuyết, đây là hai khái niệm phân biệt. Tuy nhiên, trong thực tiễn, chiều cao và trọng lượng của một người có tương quan rất mạnh với nhau (hệ số tương quan giữa chúng gần bằng 1). Nghĩa là, khi đánh giá thì hai khái niệm này đạt yêu cầu về giá trị phân biệt. Nhưng theo thực tế số liệu thì hai khái niệm này nên được gộp thành một khái niệm đơn hướng. Tức nhà nghiên cứu chỉ cần hỏi về cân nặng của khách hàng, và dựa vào mối tương quan mạnh với chiều cao để có thể suy ra chiều cao của đối tượng và ngược lại.

(4) Giá trị liên hệ lý thuyết nói lên mối quan hệ của khái niệm với các khái niệm khác trong hệ lý thuyết đang nghiên cứu. Kiểm định giá trị liên hệ lý thuyết bằng cách xem xét mối quan hệ của khái niệm với các thành phần của lý thuyết rộng hơn. Cụ thể, nhà nghiên cứu cần tìm được cơ sở về lý thuyết vững chắc cho các yếu tố trong thang đo, cũng như của các biến thành phần trong yếu tố.

Ngoài ra, giá trị tiêu chuẩn thể hiện mức độ liên kết của khái niệm đang nghiên cứu với một khái niệm khác đóng vai trò là biến tiêu chuẩn để đánh giá. Nó bao gồm giá trị tiêu chuẩn đồng hành và giá trị tiêu chuẩn dự báo.

Kết thúc.


Tin tức liên quan

HỒI QUY BỘI
HỒI QUY BỘI

Mô hình hồi quy bội được sử dụng để biểu diễn mối quan hệ của một hiện tượng kinh tế - xã hội với các yếu tố cấu thành như công nghệ, vốn, lao động, chính sách…

Phần mềm chống đạo văn
Phần mềm chống đạo văn

Sức mạnh của bất kỳ một phần mềm chống đạo văn nào nằm ở cơ sở dữ liệu lớn và năng lực tìm kiếm (công nghệ và thuật toán) nhanh, chính xác của nó. Kể từ khi Turnitin thiết kế tính năng kiểm tra tính tương đồng, chấm điểm trực tuyến và đánh giá ngang hàng thành một dịch vụ duy nhất vào năm 2010, thế giới đã ghi nhận sự phát triển của nhiều phần mềm chống đạo văn (tên gọi trong giới học thuật, còn thông thường mọi người vẫn gọi là phần mềm check đạo văn hay phần mềm kiểm tra đạo văn).

MÔ HÌNH HỒI QUY ĐƠN
MÔ HÌNH HỒI QUY ĐƠN

Mô hình hồi quy đơn là mô hình hồi quy đơn giản nhất và dùng biểu diễn sự phụ thuộc của biến phụ thuộc đối với biến độc lập duy nhất.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng