Đạo văn là gì?
Thông thường, mọi người thường nghĩ đạo văn là vấn đề sao chép tác phẩm hoặc mượn ý tưởng của người khác, nhưng nếu chỉ "sao chép" và "mượn" thì chưa đủ để nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề.
1. Đạo văn
Theo từ điển trực tuyến Merriam-Webster (với Merriam-Webster, Inc. là công ty chủ quản, công ty Mỹ chuyên xuất bản sách tham khảo, đặc biệt nổi tiếng với các bộ từ điển), “đạo văn” (tiếng anh là plagiarism) có nghĩa là:
-
ăn cắp và biến ý tưởng hay lời nói của người khác thành của riêng mình;
-
sử dụng sản phẩm, tài liệu của người khác mà không ghi nguồn;
-
thực hiện hành vi trộm cắp về vấn đề văn học;
-
thực hiện trình bày một ý tưởng hoặc sản phẩm mới và độc đáo bắt nguồn từ một sản phẩm hoặc nguồn hiện có.
Nói chung, đạo văn được xem là một hành vi lừa đảo. Nó liên quan đến cả việc sử dụng sản phẩm của người khác và sau đó nói dối về nguồn gốc của nó. Tham khảo khái niệm trực tiếp tại đây.
Còn theo thông lệ của những quốc gia phát triển đề cao vấn đề bản quyền như Hoa Kỳ thì việc thể hiện ý tưởng lần đầu được coi là tài sản trí tuệ và được bảo vệ bởi luật bản quyền, và được xem như là các phát minh gốc. Hầu hết tất cả các trường hợp đều được bảo vệ bản quyền miễn là chúng được ghi lại dưới dạng tài liệu, sách, báo hoặc dạng tập tin hay nhiều cách khác.
2. Hình thức đạo văn
Tất cả những điều sau đây được coi là đạo văn:
-
biến tác phẩm của người khác thành của mình;
-
sao chép từ ngữ hoặc ý tưởng của người khác mà không có sự chứng nhận;
-
không đặt nội dung trích dẫn trong dấu ngoặc kép;
-
đưa ra thông tin không chính xác về nguồn trích dẫn;
-
thay đổi từ nhưng sao chép cấu trúc câu của nguồn mà không trích nguồn;
-
sao chép quá nhiều từ hoặc ý tưởng từ một nguồn chiếm phần lớn nội dung trong một bài nghiên cứu, cho dù tác giả có ghi nhận hay không;
-
sao chép nhiều nội dung từ nhiều nguồn khác nhau vào bài trình bày (tiểu luận, luận văn, luận án, bài báo khoa học…) khiến cho tỉ lệ đạo văn của cả tài liệu vượt qua một con số được ấn định, cụ thể là luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ thường quy định tỉ lệ đạo văn bắt buộc tối thiểu từ 20% đến 30%.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đạo văn có thể tránh được bằng cách trích dẫn nguồn (xem bài viết Trích nguồn và trích dẫn tài liệu). Chỉ cần ghi nhận nguồn tài liệu đã sử dụng và cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết để có thể tìm lại nguồn đó là có thể ngăn chặn việc đạo văn xảy ra. Xem thêm bài viết Mẹo ngăn chặn đạo văn.
3. Hậu quả của việc đạo văn
Sau đây, chúng tôi xin phép trích nguyên văn nội dung của Trần Thị Thùy và Nguyễn Hoàng Nhi (2021) khi các tác giả thực hiện so sánh kỹ thuật của chương trình chống đạo văn (tham khảo bài báo gốc ở đây) để có thể nhận thấy được những hậu quả vô cùng sâu rộng của vấn đề đạo văn, không chỉ đối với riêng sinh viên, người học nói riêng mà còn ảnh hường rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt, gia đình, quan hệ xã hội, pháp lý…
Tuy đạo văn không gây bất kỳ nguy hiểm nào cho tác giả, nhưng nó vẫn bị coi là làm việc xấu, phạm pháp ở nhiều khía cạnh, nhiều ngành nghề khác nhau. Ngành giáo dục có thể được coi là ngành nghề có tỉ lệ đạo văn cao nhất, và hậu quả của nó gây ra không hề nhỏ. Để có thể hoàn thành bài tập về nhà, hay hoàn thành những bài viết, báo cáo khoa học, những sinh viên, học sinh đã tham khảo tài liệu ở trên internet rất nhiều, tuy nhiên không phải cá nhân nào cũng ý thức được việc đạo văn là xấu và hậu quả của nó nghiêm trọng đến mức nào. Nếu như sinh viên đạo văn lần đầu hoặc lần thứ hai thì có thể chỉ bị nhắc nhở, nhưng đến một mức nào đó thì họ có thể bị giảng viên răn đe bằng những con điểm “0”. Tuy nhiên đây chưa phải hậu quả nghiêm trọng nhất, nếu như bài viết mang tính chất quan trọng như luận văn, bài thi… thì sinh viên, học sinh có thể bị đình chỉ học tập và bị đuổi khỏi trường. Dù muốn hay không thì một khi đã dính phải đạo văn thì những bài viết sau của sinh viên đó vẫn phải chịu sự xem xét kỹ hơn từ phía thầy cô, giảng viên. Do đó, trước khi nộp bài sinh viên nên kiểm tra lại bài viết của mình một lần bằng những công cụ, chương trình chống đạo văn đang có sẵn trên mạng. Đối với cá nhân thì đạo văn cũng mang lại cho họ những hậu quả nhất định. Ở bài viết này chúng ta lấy ví dụ là sinh viên, khi sinh viên đạo văn ở trên ghế nhà trường, nếu như may mắn trót lọt, thì có thể tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau khi ra trường họ hoàn toàn mất khả năng tự chủ trong việc trình bày một vấn đề nào đó, vì họ đã có “máu đạo văn” từ khi còn là sinh viên, nó ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng xin việc, từ đó trở thành gánh nặng cho gia đình và cả xã hội. Hơn nữa, đạo văn còn có thể khiến cho sinh viên bị vấn đề tâm lý nghiêm trọng, vì phải liên tục nói dối, nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để qua mắt thầy cô và bạn bè, từ đó sinh ra tâm lý rất bất ổn định. Một ngành nghề cũng bị vấp phải vấn đề đạo văn khá nhiều đó là ngành báo chí. Một tác giả, một nhà viết báo có thể bị cắt chức, mất việc, thậm chí bị tẩy chay nếu như tác phẩm, bài báo của họ bị phát hiện có lỗi đạo văn. Từ đó ảnh hường rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt, gia đình, quan hệ xã hội... Ngoài tất cả những hậu quả kể trên, một số trường hợp đạo văn còn vướng tới pháp lý. Việc sao chép tài liệu có bản quyền mà không được tác giả đồng ý thì rất có thể khiến cho người viết phải hầu tòa, việc đạo văn đó là vì mục đích nặng nhẹ, khác nhau như thế nào đều có thể bị kết tội, từ phạt tài chính cho đến tù giam, thậm chí là tử hình nếu tài liệu đó có liên quan đến bí mật quốc gia. Chúng ta có thể thấy, đạo văn tuy không gây thương tích cho ai, nhưng những hậu quả mà nó có thể gây ra vô cùng lớn, vì lẽ đó, chúng ta không nên đạo văn dưới bất kỳ hình thức nào, nên kiểm tra lại bài viết của mình trước khi công khai hay nộp bài cho thầy cô, giảng viên.
*Chú thích: Chúng tôi đã điều chỉnh một số lỗi từ ngữ từ văn bản gốc
Tài liệu tham khảo
- Trần Thị Thùy và Hoàng Nhi Nguyễn (2021). Nghiên cứu so sánh kỹ thuật của chương trình chống đạo văn miễn phí hiện nay. Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển – Trường Đại học Nam Cần Thơ, 12(), 3-19.
Kết thúc.
Xem thêm